Victoria's Secret đang là hãng bán lẻ đồ lót lớn nhất của Mỹ, mang lại doanh thu bình quân 6,6 tỷ USD/ năm. Show diễn thường niên của hãng được ví là "đêm thời trang sexy nhất hành tinh". Suốt 19 năm qua, sự kiện luôn được giới mộ điệu ngóng đợi, khó có một chương trình nào có thể thay thế. Đứng sau thành công ấy là những bàn tay quyền lực đã gây dựng và phát triển, tạo tiếng tăm vang dội cho thương hiệu nội y.
Nhà sáng lập Roy Raymond và giai thoại đi mua nội y cho vợ
Victoria's Secret được thành lập ngày 12/61977 bởi Roy Raymond (1947-1993) và vợ Gaye sống ở San Francisco (California, Mỹ). Roy Raymond là một cựu sinh viên Đại học Tufts và trường Kinh doanh Stanford, làm tiếp thị cho công ty dược phẩm. Giai thoại ra đời thương hiệu nội y nổi danh khắp hành tinh là từ một khoảnh khắc rất đời thường của Roy Raymond trong một lần đi mua đồ lót cho vợ 8 năm trước đó.
Chàng trai tuổi đôi mươi khi ấy ngại ngùng bước vào cửa hàng đồ lót nhưng lại không chọn được bộ nào ưng ý vì nội y thời đó chủ yếu mang tính thực dụng, cứng nhắc, ít sáng tạo. Suốt những năm 70-80, chỉ có 3 hãng đồ lót với các sản phẩm tẻ nhạt, cổ hủ bán ở các cửa hàng tạp hóa. Trong bài phỏng vấn với Newsweek năm 1981, ông tâm sự: “Khi đi mua đồ lót cho vợ, tôi phải đối mặt với những chiếc giá treo áo choàng bông và váy ngủ in hoa xấu xí bằng vải nylon, chưa kể mấy cô bán hàng luôn nghĩ tôi là một kẻ biến thái, không được chào đón ở đây”.
Chính từ lúc này, ông đã nhen nhóm ý định lập một thương hiệu nội y và nghiên cứu thị trường đố lót suốt 8 năm. Để gây dựng thương hiệu, Roy Raymond đã vay bố mẹ mình 40.000 USD và thêm 40.000 USD nữa từ ngân hàng. Cửa hàng Victoria's Secret đầu tiên được đặt tại Trung tâm mua sắm Stanford ở Palo Alto (California) - nơi đàn ông có thể cảm thấy thoải mái khi đi mua đồ lót. Họ sẽ được tư vấn tận tình, giúp chọn size và chuyển xuống bộ phận gia công để tạo những chiếc áo ngực vừa vặn về cho những người phụ nữ mình yêu mến.
Ngay trong năm đầu tiên kinh doanh, Victoria's Secret thu về lợi nhuận 500.000 USD, giúp ông chủ có tiền để đầu tư thêm 4 cửa hàng nữa bên cạnh trụ sở chính và một nhà kho. Roy Raymond có mở dịch vụ đặt hàng qua bưu điện, giúp phái đẹp khắp nơi thuận tiện hơn trong việc mua sắm. Năm 1980, Roy Raymond mở thêm 2 cửa hàng ở San Francisco tại số 2246 phố Union và 115 phố Wisconsin.
Năm 1982 là thời kỳ đỉnh cao của Victoria's Secret dưới thời Roy Raymond. Lúc này, người đàn ông 35 tuổi đã có thêm cửa hàng tại số 395 phố Sutter. Tháng 4 năm đó, ông chủ cửa hàng cho ra mắt catalogue thứ 12 của mình, mỗi quyển có giá 3 USD. Doanh thu đem lại từ các quyển catalogue đóng góp hơn 55% trong số 7 triệu USD lợi nhuận hàng năm của công ty. Các cửa hàng của Victoria's Secret lúc này được đánh giá là "tay đua cừ khôi" trong ngành đồ lót. Kinh doanh nội y khi ấy được xem là mảnh đất màu mỡ hơn cả Main Street (Phố Chính - ý chỉ những nhà đầu tư và kinh doanh vừa và nhỏ). Cuối năm 1982, hãng mở rộng thêm 6 cửa hàng, doanh thu tăng trưởng 6 triệu USD/ năm.
Tuy nhiên, triết lý bán đồ lót phụ nữ tập trung vào khách hàng nam của Roy Raymond dần trở nên khô khan, đối mặt với bờ vực phá sản. Vì vậy, ngay trong năm 1982, cha đẻ Victoria's Secret quyết định bán "đứa con" của mình cho Leslie Wexner, nhà sáng lập Limited Stores Inc tại Columbus (Ohio) với giá 1 triệu USD.
Năm 1984, Roy Raymond lập cửa hàng bán lẻ cho trẻ em mang tên My Child's Destiny nhưng bị phá sản 2 năm sau đó. Sau những ngày tháng huy hoàng, "ông vua" đầu tiên lập nền móng cho Victoria's Secret lâm vào hoàn cảnh ảm đạm, dẫn đến một cái kết buồn. Ngày 26/8/1993, người ta thấy Roy Raymond tự tử bằng cách nhảy cầu Golden Gate và qua đời ở tuổi 46.
Dù chỉ lãnh đạo thương hiệu trong 5 năm nhưng Roy Raymond vẫn luôn được ghi nhớ với tư cách người sáng lập Victoria's Secret. Ông được tạp chí Times vinh danh trong danh sách 100 biểu tượng ảnh hưởng nhất đến thời trang thế giới thế kỷ 20.
Leslie Wexner - người vực lại thời hoàng kim
Ông Leslie Wexner sinh năm 1937, là một doanh nhân, nhà từ thiện người Mỹ gốc Nga - Do Thái nhập cư. Từ khi 9 tuổi, Leslie đã phải làm công việc dọn tuyết, cắt cỏ để kiếm thêm tiền. Ông tâm sự: "Thời thơ ấu, do hoàn cảnh khó khăn, tôi đã phải làm việc liên tục để có tiền mua quần áo và xe đạp giống như trong truyện cổ tích”. Ước mơ của Leslie là sau này trở thành luật sư hay một kiến trúc sư để không phải vất vả bươn trải như bố mẹ. Tuy nhiên, vì định hướng của gia đình, sau khi tốt nghiệp Đại học Tiểu bang Ohio, ông quay về nhà và giúp bố mẹ kinh doanh. Sau 4 năm làm việc cùng gia đình, Leslie Wexner quyết định tách ra tự tạo cho mình một hướng đi riêng.
Năm 1963, với số vốn 5.000 USD vay của người cô ruột và 5.000 USD vay ngân hàng, Les Wexner đã mở một cửa hiệu kinh doanh quần áo thời trang nhỏ đặt tại Trung tâm mua sắm Kingsdale ở Upper Arlington, lấy tên là The Limited, chuyên kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang trẻ dành cho khách hàng nữ.
Nắm bắt đúng thị hiếu của đối tượng phụ nữ trẻ, The Limited ngay lập tức thu hút được số khách hàng đáng kể. Sau một năm kinh doanh riêng, Leslie được bố mẹ trao quyền điều hành cửa hiệu Leslie Wexner nhằm hỗ trợ thêm nguồn lực cho con trai.
Sau khi mua lại Victoria's Secret, năm 1983, Leslie Wexner bắt tay vào thay đổi chiến lược nhằm tân trang thương hiệu. Ông loại bỏ mô hình làm ăn thua lỗ hướng đến khách hàng nam, thay vào đó là tập trung vào phụ nữ. Lúc này, Victoria's Secret trở thành một trong những trụ cột của ngành kinh doanh đồ lót, được đông đảo khách hàng biết đến và công nhận.
Đa dạng màu sắc, mẫu mã và kiểu dáng, Victoria's Secret giai đoạn này hứa hẹn sự quyến rũ, trang nhã, sang trọng và xa hoa theo phong cách châu Âu nên lôi cuốn được đông đảo khách hàng nữ. Để đẩy mạnh hình ảnh của mình, catalogue của hãng tiếp tục theo chiêu trò mà Roy Raymond đã bày từ trước là ghi trụ sở của công ty trên catalogue với một địa chỉ giả ở London, trong khi trụ sở thật lúc này tọa lạc tại Columbus, Ohio. Các cửa hàng cũng được trang hoàng lại mang hơi hướng Anh quốc thế kỷ 19.
Từ năm 1985 đến năm 1993, Victoria's Secret bán cả nội y nam. 4 năm sau khi chuyển nhượng Victoria's Secret từ tay Roy Raymond sang Leslie Wexner, ngành kinh doanh nội y đã thay đổi chóng mặt. Lúc này, trong ngành công nghiệp thời trang, việc giảm giá đã trở thành quy luật, điều quan trọng là phong cách và dịch vụ. Leslie đã cực kỳ nhanh nhạy, giúp Victoria's Secret luôn đứng vững trước xu thế thị trường. Dưới thời Leslie Wexner, The Limited từ 3 cửa hàng đã phát triển tới 346 cửa hàng bán lẻ. Riêng Victoria's Secret cũng phát triển vượt bậc, lên đến 100 cửa hàng vào năm 1984.
Hiện tại, Leslie Wexner là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn L Brands (trước đây là Limited Brands) - Công ty mẹ của Victoria's Secret. Năm nay Leslie đã 77 tuổi. Ngoài kinh doanh, ông còn tích cực đóng góp cho xã hội bằng các hoạt động từ thiện, được nhiều người yêu mến vì tấm lòng nhân hậu.
Howard Gross đưa Victoria's Secret trở thành "đế chế nội y"
Năm 1985, Howard Gross lên làm Chủ tịch Victoria's Secret, từ vị trí Phó chủ tịch, sau khi Leslie Wexner trở thành Chủ tịch Công ty mẹ L Brands. Tháng 10 năm đó, báo Los Angeles Times cho rằng Victoria’s Secret đang thâm nhập thị trường cổ phiếu trong các trung tâm mua sắm. Chỉ 1 năm sau, Victoria's Secret là chuỗi bán hàng nội y quốc nội duy nhất.
Năm 1987, Victoria's Secret được công bố nằm trong danh sách "catalogue bán chạy nhất". Năm 1990, các nhà phân tích ước tính doanh thu của hãng đã tăng trưởng gấp 4 lần, lên đến 120 triệu USD trong 4 năm, trở thành doanh nghiệp bán hàng qua mail phát triển nhanh nhất.
Dưới thời Howard Gross, Victoria's Secret được The New York Times gọi là một "một nhà tiên phong đáng noi theo", đặc biệt là việc không ngần ngại dùng những hình ảnh quảng cáo gợi cảm, sang trọng để bán đồ lót với giá phải chăng. Năm 1991, hãng cũng xuất xưởng dòng sản phẩm nước hoa đầu tiên.
Tuy nhiên, vào đầu thập niên 90, Victoria's Secret phải đối mặt với một lỗ hổng trong việc quản lý, làm hãng nội y danh tiếng bị nghi ngờ hàng loạt các vấn đề về chất lượng. Howard Gross bị chuyển đến một công ty con của L Brands, làm Chủ tịch, CEO của The Stores Limited. Ông cũng từng là Chủ tịch kiêm CEO của các Công ty thời trang nam Hub Distributing Inc hay Today's Man. Ông nghỉ hưu tháng 12/2003, hiện 71 tuổi.
Grace Nichols - Người chèo lái thời khủng hoảng
Bà Grace Nichols gia nhập Victoria's Secret năm 1986, đảm nhận chức Chủ tịch, CEO của hãng trong 14 năm. Trước đó, Grace nắm giữ vị trí bán hàng cao cấp cho một công ty may mặc. Khi Howard Gross gặp phải rắc rối về vấn đề chất lượng, Grace Nichols lên chức Giám đốc điều hành Victoria's Secret và đứng ra giải quyết mọi scandal.
Trong những năm này, hãng thắt chặt lợi nhuận kinh doanh nên tăng trưởng doanh thu chậm lại. Sau khi ra mắt dòng sản phẩm Miracle Bra và bán được 2 triệu đô trong năm đầu, hãng lại phải đối mặt sự cạnh tranh với dòng WonderBra của hãng Sara Lee 1 năm sau đó. Victoria's Secret đã đáp trả lại đối thủ của họ bằng một chiến dịch quảng cáo truyền hình.
Năm 1896, thương hiệu bắt đầu mở rộng trở lại, đến năm 1998, cổ phần của Victoria's Secret chiếm 14% trong thị trường đồ lót. Cũng năm này, hãng tiếp tục tấn công thị trường mỹ phẩm. Năm 1999, với chiến dịch Body by Victoria, thương hiệu tạo thêm ảnh hưởng, giúp phủ sóng hình ảnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Grace, các cửa hàng Victoria's Secret được tân trang theo style mới, loại bỏ hết những tàn tích của phong cách châu Âu thế kỷ 19 hay kiểu nhà thổ thời Victoria. Năm 1986 cũng là năm bà Grace thôi giữ chức Chủ tịch, CEO của hãng nhưng vẫn làm việc cho công ty mẹ.
Grace Nichols được đánh giá là người lãnh đạo luôn lạc quan khi đối mặt với mọi hoàn cảnh. Tháng 1/2007, bà chính thức nghỉ hưu, song vẫn nằm trong ban giám đốc của một số thương hiệu như Men's Wearhouse, Pacific Sunwear. Năm nay bà 66 tuổi.
Sharen Jester Turney - "bà trùm" đương thời của Victoria's Secret
Bà Sharen sinh năm 1957, lớn lên trong một trang trại chăn nuôi ở Oklahoma (Mỹ). Bà được Leslie Wexner bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Victoria's Secret từ năm 2000. Trước đó, Sharen từng làm việc cho nhiều tập đoàn lớn, là giám đốc của hãng Neiman Marcus. Từ tháng 7/2006 đến nay, bà giữ chức Chủ tịch kiêm CEO của Victoria's Secret. Sharen nằm trong số những nữ CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ.
Trên cương vị của mình, bà Sharen đã định hình lại catalogue của hãng. Chính bà là người hướng các cuốn catalogue ngập tràn những hình ảnh khêu gợi như phong cách Playboy đến lối sang trọng, gần gũi với những tạp chí thời trang kiểu Vogue. Từ doanh thu 4,5 tỷ USD, đến nay bà Sharen đã giúp công ty vươn lên mức 6,6 tỷ USD. Victoria's Secret hiện đang là công ty con lớn nhất của L Brands với mức 40% tổng doanh thu.
Tháng 3 năm nay, Sharen được xếp hạng trong danh sách "Những ông/ bà chủ được yêu thích nhất nước Mỹ" của Glassdoor. Bà cũng lọt vào danh sách này nhiều năm liền, đồng thời giành được vô khối giải thưởng trong sự nghiệp lãnh đạo.
Sharen Jester Turney kết hôn cách đây 20 năm và có một con trai. Tháng 9 năm ngoái, bà vướng vào bê bối ngoại tình với một nhà môi giới bất động sản, bị ông này tố lợi dụng. Công ty mẹ L Brands và bản thân bà Sharen từ chối bình luận về vụ này nhưng sự việc một lần nữa lại "hâm nóng" tên tuổi hãng nội y Victoria's Secret.
"Bộ tứ quyền lực" đứng sau thành công của Victoria's Secret show 2014
Bên cạnh sự lãnh đạo của "bà trùm" Sharen Jester Turney còn có một đội ngũ cộng sự đắc lực, đặc biệt là bộ tứ Ed Razek, Monica Mitro, John Pfeiffer và Sophia Neophitou. Họ là những người cốt cán nắm giữ các khâu khác nhau, nhưng cùng góp sức để biến show Victoria's Secret thường niên trở thành "đêm thời trang sexy nhất hành tinh" như hiện nay. Bộ tứ này cũng là 4 vị giám khảo quyền lực casting Victoria's Secret show 2014.
Ed Razek là giám đốc tiếp thị cao cấp của Victoria's Secret, đồng thời đảm đương chức giám đốc marketing về dịch vụ sáng tạo của công ty mẹ L Brands. Ông chính là người trực tiếp tuyển chọn người mẫu cho hãng nội y đình đám suốt 15 năm nay, đưa những tên tuổi như Daniela Pestova, Gisele Bundchen, Tyra Banks hay Heidi Klum vươn tới đỉnh cao làng mẫu. Ed Razek được tạp chí Forbes tháng 10/2007 điểm mặt trong số 5 nhân vật quan trọng nhất tác động tới làng mẫu.
Cũng là người kỳ cựu ở Victoria's Secret, nhà sản xuất Monica Mitro gắn bó với thương hiệu gần 20 năm nay. Cô là giám đốc sản xuất kiêm phó chủ tịch điều hành truyền thông cho thương hiệu. Monica được mệnh danh là "thiên thần mẹ", thổi hồn cho đêm diễn sexy nhất hành tinh. Dưới bàn tay sản xuất của Monica, Victoria's Secret nhanh chóng trở thành sự kiện thời trang được đón chờ nhất hàng năm, biến hãng nội y nước Mỹ nổi như cồn khắp hàng tinh. Cô cũng chính là người đưa ra ý tưởng tạo những mẫu nội y triệu đô xa hoa.
John Pfeiffer là giám đốc casting nổi tiếng, có mối quan hệ lâu dài với các thương hiệu thời trang đình đám làng mốt như Michael Kors, Donna Karan, Bottega Veneta hay Christian Dior. John Pfeiffer là nhân vật không thể thiếu trong các buổi casting của Victoria's Secret, người đàn ông luôn đưa ra những đánh giá quan trọng để lựa các "thiên thần" cho đêm diễn hàng năm, kể từ 2000. Làm việc với nhiều phụ nữ đẹp nhất trên thế giới, John Pfeiffer có cái nhìn đa diện về sắc đẹp. Ông cho rằng: "Đó không chỉ là ngoại hình. Sắc đẹp bao gốm cả tính cách, nhân phẩm và nét riêng của mình".
Sophia Neophitou là giám đốc sáng tạo của Victoria's Secret. Cô vừa là biên tập viên, vừa là một stylist nổi tiếng. Cô từng là Tổng biên tập của 10 tạp chí, giám đốc sáng tạo của Harper's Bazaar Anh quốc hay các thương hiệu thời trang Rouland Mouret và Antonio Berardi.